Nuôi cấy mô tế bào thực vật nhằm bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý

Những năm qua Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã ứng dụng nuôi cấy mô tế bào thực vật nhằm bảo tồn và phát triển các nguồn gen thực vật có giá trị, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Theo cán bộ Viện Nông nghiệp Thanh Hoá, lan kim tuyến là một loại dược liệu vô cùng quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, vì nó có tác dụng tăng cường sức khỏe, lưu thông khí huyết, có tính kháng khuẩn, chữa các bệnh viêm khí quản, viêm gan mãn tính, chữa suy nhược thần kinh, phòng ngừa loãng xương, tiểu đường và tăng cường hệ thống miễn dịch… chính vì sự quý hiếm trên nên năm 2007 lan kim tuyến được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, thuộc nhóm IA, nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại. Và cũng đã có rất nhiều phương pháp nhân giống lan kim tuyến, như: nhân giống bằng hạt, bằng cây con, giâm cành.

nhan-giong20231106213239
Phương pháp nhân giống lan kim tuyến có thể bằng hạt, cây non, giâm cành.

Tuy nhiên, các phương pháp trên đều không hiệu quả. Vì vậy, Viện Nông nghiệp Thanh Hoá đã giao cho Phòng Phân tích và Thí nghiệm nhiệm vụ lưu giữ, phân lập và nhân giống lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật. Qua những lần làm thử nghiệm, cán bộ kỹ thuật đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm môi trường nuôi cấy phù hợp cho mỗi giai đoạn phát triển của cây với điều kiện thực tế tại phòng thí nghiệm. Song, bằng công sức và tất cả đam mê, nhóm công nghệ sinh học của phòng Phân tích và Thí nghiệm đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất lan kim tuyến thương phẩm bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật.

Phòng Phân tích và Thí nghiệm viện nông nghiệp Thanh Hoá đang phấn đấu sau năm 2025 sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng cây giống lan kim tuyến trên địa bàn tỉnh, hướng tới trở thành đơn vị đi đầu trong việc cung ứng nguồn cây giống chất lượng cao, mở rộng thị trường không chỉ tại tỉnh Thanh Hóa mà còn ở các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ.

Phòng Phân tích và Thí nghiệm được Viện Nông nghiệp Thanh Hóa giao nhiệm vụ mở rộng quy mô nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào với nhiều giống cây trồng khác nhau. Từ đó phòng đã sản xuất được hàng loạt các loại cây trồng, các chủng giống nấm có chất lượng cao.

lan-kim-tuyen20231106211707
Cán bộ Viện Nông nghiệp Thanh Hóa kiểm tra cây giống keo nuôi cấy mô tế bào thực vật trong phòng thí nghiệm.

Theo lãnh đạo, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, nuôi cấy mô tế bào thực vật là phương pháp kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay và ngày càng phổ biến, giúp sản xuất nhanh và đồng loạt các loại giống cây trồng mà vẫn lưu giữ được hoàn toàn đặc tính của cây gốc, khắc phục nhược điểm của các phương pháp nhân giống vô tính khác như chiết, ghép hay giâm cành. Hiện, Phòng Phân tích và Thí nghiệm của Viện đang quản lý hàng chục giống cây và sản xuất theo yêu cầu của thị trường như các giống cây lâm nghiệp, cây dược liệu, các loại giống hoa, trong đó có các loại cây có giá trị kinh tế như lan kim tuyến, hoa đồng tiền, mía tím, mía đường, hoa chuông, hoa cúc… đặc biệt, với phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật, phòng đã tạo ra giống cây keo lai khẳng định tính ưu việt trong việc nâng cao năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng, đã cung cấp cây giống cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Ngoài nghiên cứu ra các giống cây trồng quý hiếm, có chất lượng, những năm qua, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã không ngừng cập nhật, cải tiến và hoàn thiện công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng từ đông trùng hạ thảo, các loại nấm ăn và nấm dược liệu, các loại rau thủy canh, rau mầm, như: rượu đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo tươi, khô; nấm linh chi, nấm sò, nấm mộc nhĩ…

Tính từ năm 2019 đến nay, viện sản xuất ra từ 5.000 đến 20.000 hộp đông trùng hạ thảo/năm, mỗi năm tăng 25% so với kế hoạch năm trước. Hiện nay, viện đang chỉ đạo Phòng Phân tích và Thí nghiệm nghiên cứu, tìm các công thức môi trường nuôi cấy đối với một số loài cây đáp ứng yêu cầu của thị trường, như: ba kích, nhân sâm và 3 dòng keo lai mới.

dong-trung20231106214248
Sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo Viện Nông Nghiệp Thanh Hoá.

Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã bước đầu gặt hái những thành công. Đây là một bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao giúp cho nông dân trên địa bàn tỉnh chủ động được nguồn giống các loại cây trồng có giá trị kinh tế trên thị trường. Từ đó, làm thay đổi và nâng cao nhận thức cho nông dân về mô hình nuôi trồng hiện đại để ngày càng nhân rộng quy mô và hiệu quả kinh tế trong trồng trọt trước sự tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Thời gian tới, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa sẽ tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa những thế mạnh của viện. Không ngừng nâng cao trình độ khoa học và công nghệ. Nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ trong việc nghiên cứu khoa học, nhất là việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật nhằm bảo tồn và phát triển các nguồn gen thực vật có giá trị. Trên cơ sở đó tạo ra hướng đi đúng đắn cho nông nghiệp công nghệ cao.