Ngành mía đường có dấu hiệu hồi phục sau thời gian dài ảm đạm

Niên vụ mía 2022 – 2023 đã kết thúc với diện tích trồng, sản lượng mía được ép và sản lượng đường đều tăng so với hai niên vụ trước. Điều đó cho thấy, ngành mía đường Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục sau một thời gian dài ảm đạm.

miaduong20231025102401
Ngành mía đường Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục sau một thời gian dài ảm đạm.

Dấu hiệu hồi phục của ngành mía đường

Niên vụ mía 2022 – 2023 đã kết thúc với diện tích trồng, sản lượng mía được ép và sản lượng đường đều tăng so với hai niên vụ trước. Điều đó cho thấy, ngành mía đường Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục sau một thời gian dài ảm đạm. Ngành mía đường Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn trong nhiều năm liền.

Từ tháng 2/2011 đến tháng 8/2019, giá đường giảm hơn 60%. Diện tích vùng nguyên liệu liên tục bị thu hẹp, sản lượng đường sản xuất trong nước suy giảm dưới tác động chung của giá đường thế giới và chịu tác động trực tiếp từ đường giá rẻ nhập lậu qua biên giới.

Qua báo cáo của các nhà máy đường còn hoạt động cho thấy, tổng diện tích trồng mía niên vụ 2022 – 2023 là 141.906 ha, tăng 17.151 ha so với vụ trước, năng suất bình quân đạt 69,3 tấn/ha. Trong tháng 6/2023, ngành đường nước ta đã hoàn thành vụ ép mía 2022 – 2023. Sản lượng lũy kế từ đầu vụ ép được 9.714.224 tấn, sản xuất được 941.373 tấn đường các loại.

So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2021 – 2022, sản lượng mía ép đạt 129% và sản lượng đường đạt 126%. Ngoài ra, so sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2020 – 2021, sản lượng mía ép đạt 144% và sản lượng đường đạt 136%. Sự tăng trưởng trong hai vụ liên tiếp cho thấy ngành mía đường Việt Nam đang có sự phục hồi đáng kể. Không những vậy, trong vụ ép 2022 – 2023, ngành đường đã thực hiện tốt mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương với các nước trong khu vực, trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp nhất.

Mặc dù vậy, niên vụ 2022 – 2023, ngành mía đường vẫn tiếp tục đối phó vấn nạn đường nhập lậu. Dựa trên dữ liệu của Tổng cục Hải quan và Ủy ban mía đường Thái Lan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam ước tính lượng đường nhập lậu trong năm 2021 là hơn 501 nghìn tấn và năm 2022 là 816.544 tấn. Các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn và phát hiện hoạt động gian lận thương mại tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, tuy nhiên, tổng lượng đường của các vụ việc phát hiện chỉ chiếm chưa đến 5% lượng đường nhập lậu ước tính.

Đặc biệt, hầu hết các vụ được phát hiện cho đến nay chỉ xử lý hành chính cho nên chưa đủ tác dụng răn đe khiến hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu bùng phát từ cuối tháng 12/2021 đến nay vẫn chưa giảm nhiệt. Vì vậy, việc đấu tranh chống gian lận thương mại đường nhập lậu thiếu hiệu quả, nhiều kẽ hở và đang bị các đối tượng kinh doanh phi pháp lợi dụng. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, riêng trong tháng 5/2023, cơ quan chức năng các địa phương đã phát hiện nhiều vụ gian lận thương mại đường nhập lậu.

Theo báo cáo của các nhà máy đường dự kiến còn hoạt động, kế hoạch sản xuất niên vụ 2023 – 2024 sẽ có sự tăng trưởng so với niên vụ trước. Trong đó, diện tích mía thu hoạch là 159,159 ha, tăng 112%, sản lượng mía chế biến 10.560.399 tấn, tăng 109% và sản lượng đường đạt hơn một triệu tấn, tăng 110%.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc, niên vụ mía năm 2023 – 2024, dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày. Niên vụ mía này dự báo sẽ gặp nhiều thách thức khi phải đối mặt với hiện tượng El Nino, giá vật tư nông nghiệp tăng, tình hình đường nhập lậu và gian lận thương mại cũng như thị trường đường bị thu hẹp do sự gia tăng nhập khẩu đường lỏng. Để phát triển bền vững, ngành mía đường cần có các biện pháp phù hợp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, nhất là trong điều kiện cạnh tranh giữa cây mía và cây trồng khác ngày càng gia tăng tại các địa phương.

Trên cơ sở đó, các địa phương cần nâng cao thu nhập của người trồng mía thông qua việc người dân được hưởng giá thu mua ở mức tốt; đẩy mạnh áp dụng các giải pháp công nghệ và kỹ thuật để giảm chi phí và tăng năng suất cây mía. Mặt khác, các địa phương khuyến cáo người dân tiết kiệm nguồn nước; triển khai chương trình giống nhằm mục tiêu tối ưu hóa cơ cấu bộ giống mía, tạo ra bước đột phá trong việc tăng năng suất và chất lượng mía, góp phần tăng năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành mía đường.

Hơn nữa, tùy hoàn cảnh của mỗi nhà máy và các địa phương, cần vận dụng các nguồn hợp pháp để hình thành quỹ bảo hiểm phòng chống rủi ro do biến đổi khí hậu cho người trồng mía, giúp họ yên tâm canh tác và phát triển cây mía. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần theo dõi, kiểm soát, đối phó hiện tượng phá giá đường khiến đầu ra của cây mía bị thu hẹp và cắt đứt chuỗi liên kết mía đường hoặc hành vi ghìm hàng tăng giá khiến giá đường bị đẩy cao bất thường.

Trong bối cảnh Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành đường, giá đường trong nước tăng cao hơn so với trước đây, các hành vi gian lận thương mại đường càng có nguy cơ xảy ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Từ thực tế đó, các cơ quan chức năng cần thiết lập hệ thống theo dõi thu thập thông tin về diễn biến thị trường và hoạt động gian lận thương mại để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đồng thời, các nhà máy đường cần triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp ngăn chặn hành vi gian lận thương mại cũng như hỗ trợ các cơ quan chức năng xác định nguồn gốc đối với hàng hóa lưu hành trên thị trường và phân biệt các loại hàng giả, hàng nhái, nhập lậu, gian lận thương mại…

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường

duong-2120231025104303
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường.

Một trong những yếu tố tác động sự tăng trưởng sản xuất trong hai vụ ép mía nối tiếp là giá mua mía đã được ngành mía đường Việt Nam (MĐVN) liên tục nâng lên, đến nay mỗi tấn mía đã ở mức 1,1 – 1,3 triệu đồng, tương đương với các nước trong khu vực, diện tích trồng mía cũng gia tăng, ngành mía đường trong nước đã có sự phục hồi đáng kể từ các biện pháp phòng vệ thương mại mà Nhà nước Việt Nam đã áp dụng từ năm 2021.

Trước bối cảnh giá đường thế giới liên tục tăng trong niên vụ 2022 – 2023, diễn biến giá đường Việt Nam so với các nước lân cận luôn ở mức thấp nhất. So với mức giá ở Việt Nam trong niên vụ này thì giá đường bình quân ở Philippines 193%, Indonesia 106% Trung Quốc là 107% so với Việt Nam.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường, củng cố và phát triển bền vững chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xem xét, đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hướng dẫn các ngân hàng xem xét hoạt động không hiệu quả của các nhà máy đường chịu sự thiệt hại nghiêm trọng của đường phá giá, trợ cấp từ Thái Lan để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới để phục hồi hoạt động; bổ sung cây mía vào nhóm cây trồng thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần xem xét, ưu tiên bố trí kinh phí thường niên cho hoạt động nghiên cứu giống mía mới và hỗ trợ triển khai dự án giống mía 3 cấp tại các vùng sản xuất mía trọng điểm; chỉ đạo Sở NN & PTTT các tỉnh có vùng trồng mía hỗ trợ các nhà máy đường bảo vệ mía đã được đầu tư, tránh việc tranh mua nguyên liệu từ các nhà máy khác trên cơ sở thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ; cho phép kết nối hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc của VSSA vào hệ thống của Bộ NN&PTNT.

Đề xuất Bộ Công thương điều tra, phòng vệ thương mại về nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS; tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh đường; áp dụng một giá điện cho tất cả các dự án điện sinh khối.

VSSA kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần xem xét, chấm dứt việc đấu giá và áp dụng biện pháp tiêu hủy đường nhập lậu, đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ đã bị tịch thu.

Giao cho VSSA đề xuất cơ chế huy động nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng đường để hình thành quỹ hỗ trợ kinh phí tiêu hủy đường nhập lậu bị tịch thu; kiên quyết chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự những vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến gian lận đường thương mại nhập lậu và nhập lậu đường; tổ chức giám sát kiểm tra các cơ sở san chia, đóng gói mặt hàng đường và sản xuất đường phèn bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật…

UBND các tỉnh, thành phố có vùng mía nguyên liệu hoặc nhà máy đường rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, có chính sách khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá mía tại những vùng có lợi thế; hướng dẫn hỗ trợ nông dân trồng mía chuyển đổi sang cây trồng khác tại những vùng trồng mía không đạt hiệu quả.

Đồng thời cần xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường; đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển mô hình khuyến nông, xây dựng cánh đồng lớn gắn với thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía; có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng tranh mua, tranh bán, vi phạm hợp đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ mía; ưu tiên nguồn vốn của địa phương để hỗ trợ phát triển cơ giới hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hoàn thiện tổ chức sản xuất mía và chuỗi sản xuất đường…