Một số giải pháp chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 tại Đông Nam Bộ và ĐBSCL

Để triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 tại các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh rà soát, bố trí thời vụ xuống giống và cơ cấu giống lúa phù hợp từng tháng, từng tiểu vùng trong tỉnh. Đồng thời theo dõi chặt chẽ nguồn nước, có phương án điều tiết cấp thoát nước, sử dụng nước phù hợp cho sản xuất.

Một số giải pháp cần quan tâm trong chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân như sau:

1. Thời vụ

Nhận định khả năng thiếu nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 đã được các cơ quan chuyên môn dự báo từ rất sớm. Thiếu nước trong mùa khô dẫn đến xâm nhập mặn sớm, sâu hơn và cường độ cao hơn vẫn có nhiều khả năng xảy ra do thiếu nước từ thượng nguồn.

Tranh thủ xuống giống lúa Đông Xuân 2019-2020 sớm trong tháng 10 để có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và hạn chế bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển. Tuy nhiên xuống giống sớm trong tháng 10 cũng sẽ có một số bất lợi về thời tiết ở giai đoạn đòng trổ của cây lúa, về lâu dài vùng khó khăn này cần được chuyển sang cơ cấu 2 lúa – 1 màu.

Thời vụ khuyến cáo chung toàn vùng Nam Bộ được đề nghị như sau:

a) Vùng đồng bằng sông Cửu Long

– Xuống giống sớm: Từ ngày 10 – 30/10/2019 những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ (vùng ven biển Nam bộ các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang); khoảng 400.000 ha chiếm khoảng 25% diện tích vụ Đông Xuân, tăng hơn cùng kỳ khoảng 200 – 250 nghìn ha, đây là những vùng có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ cần xuống giống sớm để né mặn.

– Xuống giống đợt 1: từ ngày 1/11 đến ngày 30/11/2019 là thời vụ chính cho cả  vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển; khoảng 700.000 ha, chiếm khoảng 42% diện tích kế hoạch, nhiều hơn diện tích xuống giống cùng kỳ khoảng 130 nghìn ha.

– Xuống giống đợt 2: từ ngày 1/12 đến ngày 31/12/2019 là thời vụ chính cho cả vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển; khoảng 400.000 ha, chiếm khoảng 25% diện tích kế hoạch, giảm hơn cùng kỳ khoảng 120 nghìn ha.

– Một số vùng xuống giống Đông Xuân muộn kết thúc xuống giống trước ngày 10/01/2020 những diện tích lúa còn lại.

b) Vùng Đông Nam Bộ

– Đợt 1: Đông Xuân sớm xuống giống tháng 10 đến đầu tháng 11/2019, diện tích gieo sạ ước khoảng 10.000 ha (đạt 13% diện tích hế hoạch) gồm Tây Ninh, Bình Phước.

– Đợt 2: Đông Xuân chính vụ xuống giống đầu tháng 11 đến tháng 12/2019, diện tích gieo sạ ước 35.000 ha (đạt 46% diện tích kế hoạch) gồm Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai.

– Đợt 3: Đông Xuân muộn xuống giống cuối tháng 12/2019 đến đầu tháng 1/2020 diện tích gieo sạ ước 25.000 ha (đạt 33% diện tích KH) gồm Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

2. Cơ cấu giống lúa cho các tiểu vùng sinh thái

Tùy theo tiểu vùng sinh thái mà các địa phương sẽ chọn lựa cơ cấu giống cho địa phương mình.

– Vùng cách biển từ 20 – 30 km, ưu tiên sử dụng các giống lúa chịu mặn và ngắn ngày (TGST 90 ngày).

– Vùng cách biển từ 30 – 70 km, ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng từ 90-105 ngày.

– Vùng thượng ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao, hạt tròn, nếp, một ít giống lúa chất lượng trung bình, giống có thời gian sinh trưởng 90-105 ngày.

– Cơ cấu các nhóm giống: Nhóm lúa Thơm 35%; Nhóm chất lượng cao 40%; Nhóm nếp và Japonica 15%, Nhóm chất lượng trung bình 10%.

Cơ cấu giống lúa cho từng tiểu vùng sinh thái ở Nam Bộ trong vụ Đông Xuân được đề xuất như sau:

a) Vùng đồng bằng sông Cửu Long

– Vùng tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên: ưu tiên áp dụng các giống lúa thâm canh cao, chất lượng khá – tốt:

+ Giống chủ lực: OM5451, OM4900, OM6976, OM2517, OM7347, Đài Thơm 8 và IR50404 …

+ Giống bổ sung: OM2717, OM6162, AS996, RVT, OM4218, Jasmine 85 …

– Vùng Đồng Tháp Mười: ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình – khá:

+ Giống chủ lực: Đài Thơm 8, IR50404, OM5451, OM6976, OM4900, OM 18 …

+ Giống bổ sung: OM576, VD20, OM7347, Jasmine 85, Nàng Hoa 9…

– Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu: ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao:

+ Giống chủ lực: OM4900, OM6976, OM4218, OM5451, Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM 18

+ Giống bổ sung: OM7347, VNĐ95-20, Nàng Hoa 9, OM6162, VD20, RVT, OM9582 …

– Vùng ven biển Nam Bộ: ưu tiên áp dụng giống ngắn ngày, thâm canh trung bình – khá, chịu điều kiện khó khăn:

+ Giống chủ lực: OM2517, OM576, AS996, OM5451, OM6976, OM 18 …

+ Giống bổ sung: ST5, ST24, OM576, Jasmine 85, OM4900, OM7347, RVT …

b) Vùng Đông Nam bộ

– Giống chủ lực: OM6976, OM4900, OM6162, OM5451, ML48 …

– Giống bổ sung: TH41, ML202, Jasmine 85, IR64, OM7347…

3. Công tác trọng tâm cần lưu ý

a) Cây lúa

– Về thời vụ sản xuất: Chỉ đạo sát sao lịch xuống giống tập trung, né tránh rầy theo dự báo rầy nâu di trú và rầy nâu tại chỗ của Cục Bảo vệ Thực vật để phòng ngừa bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Bố trí thời vụ cần bám sát theo việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, đồng thời căn cứ theo bản đồ nguy cơ cho lúa vào những năm cực đoan đã được xây dựng trước đây để làm cơ sở bố trí mùa vụ sản xuất. Việc chủ động xuống giống sớm trong tháng 10 như lịch khuyến cáo sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ đối với các tỉnh ven biển. Ngoài ra, đề phòng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn của vùng phù sa ngọt.

– Sử dụng giống lúa xác nhận, ngắn ngày có năng suất, chất lượng khá, chống chịu sâu bệnh tốt, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu theo cơ cấu giống chung toàn vùng và tính phù hợp của từng địa phương. Trong đó, cơ cấu giống lúa nếp không được tăng để tránh rủi ro về thị trường tiêu thụ khi cung vượt cầu. Chú ý việc sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn.

– Thường xuyên thăm đồng, theo dõi và phòng chống sâu bệnh hại kịp thời, nhất là các đối tượng rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn, bạc lá,..

– Triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất lúa như giảm lượng giống gieo sạ, giảm thuốc trừ sâu, giảm lượng phân bón phù hợp, tiết kiệm nước tưới, áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến.

– Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, cần đa dạng cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng và nhu cầu thị trường để việc chuyển đổi được ổn định lâu dài, hiệu quả.

b) Cây ăn quả

– Thực hiện rải vụ thu hoạch cây ăn quả:

Tùy theo tình hình nguồn nước để bố trí rải vụ hợp lý, tránh thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

+ Đối với các tỉnh xa vùng biển như Đồng Tháp, Vĩnh Long, một phần Long An, Tiền Giang có thể áp dụng các biện pháp rải vụ thu hoạch đối với thanh long, sầu riêng, xoài, chôm chôm, nhãn.

+ Đối với các tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, một phần Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An cần chuẩn bị phương án tích trữ nước ngọt ngay từ đầu vụ và chỉ xử lý ra hoa trái vụ ở những vùng đủ nước ngọt.

– Lưu ý biện pháp canh tác cây ăn quả trong mùa khô 2020:

+ Tùy tình hình sinh trưởng của cây, trước khi mùa mưa chấm dứt, nên tiến hành bón phân cân đối và đầy đủ giúp cây phục hồi sau vụ thu hoạch, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt vượt qua các điều kiện bất lợi.

+ Gia cố hệ thống đê bao, tăng cường tích trữ nước ngọt trong vườn; áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm, khi gặp hạn nên giảm lượng nước tưới mỗi lần và dãn thời gian tưới giữa hai lần.

+ Tủ gốc, tỉa bớt cành nhánh, bón phân lân, kali và phun một số loại phân trung vi lượng qua lá để nâng cao khả năng chống chịu cho cây.

– Trước khi lấy nước, kiểm tra độ mặn một cách cẩn thận, tuyệt đối không lấy nước khi độ mặn cao >1‰; đối với sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn >0,5‰).

c) Cây công nghiệp

– Tập trung chỉ đạo mạnh mẽ các biện pháp thâm canh để tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Tăng cường áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất, tưới tiết kiệm nước, sử dụng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh, thích nghi với sự biến đổi của khí hậu.

– Thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ dịch hại, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu; bọ xít muỗi, bệnh thán thư trên cây điều; bệnh vi rút khảm lá trên cây sắn đang bùng phát, lây lan trên diện rộng.