Chỉ cần nhìn vào điểm này, sẽ biết ngay dâu tây Trung Quốc “đội lốt” dâu tây Đà Lạt

Chỉ cần nhìn vào hình dáng, màu sắc và thời gian bảo quản quả dâu tây, người dùng có thể nhận biết dâu tây Trung Quốc đội lột dâu tây Đà Lạt một cách dễ dàng.

Liên quan đến sự việc hơn 8 tấn dâu tây Trung Quốc đội lốt dâu tây Đà Lạt vừa bị cơ quan chức năng huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) bắt giữ, trao đổi với PV, đại diện Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Số dâu tây không rõ nguồn gốc do công an kinh tế huyện Đức Trọng thu giữ và xử lý. Chiều 24/7, đại diện Đội CSKT – Công an huyện Đức Trọng đã đưa mẫu đến Chi cục để chúng tôi tiến hành phân tích”.

Chỉ cần nhìn vào điểm này, sẽ biết ngay dâu tây Trung Quốc “đội lốt” dâu Đà Lạt - Ảnh 2.

Dâu tây Trung Quốc vừa bị Đội Cảnh sát kinh tế – Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) bắt giữ.

Đại diện Chi cục này cho biết, dâu tây tại Đà Lạt chính vụ từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều người trồng ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác dâu tây như trồng nhiều giống mới, cây sạch bệnh, trồng trong nhà có mái che, cung cấp nước, phân bón qua hệ thống tưới nhỏ giọt… nên năng suất dâu tây tăng và gần như trồng được quanh năm. Tuy nhiên, việc trồng quanh năm chỉ hạn chế trong nhà có mái che (diện tích này còn ít so với nhu cầu).

Thời gian gần đây, dâu tây Đà Lạt phải chịu nhiều sự cạnh tranh với dâu tây từ Trung Quốc nhập vào theo đường tiểu ngạch. Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về cách nhận biết dâu tây Đà Lạt với các dòng dâu khác bằng mắt thường. Người tiêu dùng có thể nhìn vào hình dáng, màu sắc để nhận biết dâu tây Đà Lạt với giống dâu tây Trung Quốc.

Chỉ cần nhìn vào điểm này, sẽ biết ngay dâu tây Trung Quốc “đội lốt” dâu Đà Lạt - Ảnh 3.

Hình ảnh phân biệt các loại dâu tây. (Ảnh: Chi cục TT&BVTT Lâm Đồng cung cấp)

Đầu tiên là hình dáng quả: Dâu tây Đà Lạt sẽ có hình dáng không đều, kích thước vừa phải và không quá to. Trong khi dâu Trung Quốc thì quả to, độ đồng đều cao, có thể 10 quả sẽ có hình dạng giống cả 10.

Thứ hai, dâu tây Đà Lạt mềm, bề ngoài không nhẵn mịn, thậm chí, màu đỏ ở vỏ quả không đều, hơi sậm ở phần thân và hơi trắng ở phần cuống.

Trong khi đó, quả dâu tây Trung Quốc cứng, đanh, mịn và màu đỏ sậm, đều màu từ cuống đến toàn bộ quả nên trông rất đẹp mắt.

Về phần đài quả (phần phủ trên cuống) thì với dâu tây Đà Lạt sẽ mỏng, ngắn, phủ một phần nhỏ trên trái dâu, đài màu xanh nhạt.

Trong khi đó, dâu tây Trung Quốc thì dày, rất mướt, phủ đến hơn 1/3 trái dâu và đài màu xanh đậm như lá rau ngót. Màu đài xanh đậm hòa với màu đỏ, bóng, đanh của thân quả sẽ rất bắt mắt.

Chỉ cần nhìn vào điểm này, sẽ biết ngay dâu tây Trung Quốc “đội lốt” dâu Đà Lạt - Ảnh 4.

Hình ảnh khi bổ đôi các quả dâu tây. (Ảnh: Chi cục TT&BVTT Lâm Đồng cung cấp)

Ngoài ra, khi bổ đôi, ruột trái dâu tây Đà Lạt có màu đỏ nhạt đan xen với màu trắng, mùi thơm rất đặc trưng, khi ăn thì mềm dai và có vị chua thanh. Người dùng chỉ có thể bảo quản trong khoảng 2 ngày ở nhiệt độ thường là quả dâu tây sẽ bị héo và cuống bị thâm.

Tuy nhiên, với dâu tây Trung Quốc thì ngược lại, khi bổ đôi, dâu tây Trung Quốc có màu đỏ đậm hơn, không có màu trắng đan xen, khi ăn cũng không có mùi thơm và sẽ có cảm giác bở, không có vị chua thanh như dâu tây Đà Lạt. Người dùng có thể bảo quản loại dâu “ngoại” này trong thời gian từ 7 – 10 ngày vẫn còn tươi như mới hái.

Cây dâu tây có tên khoa học là Fragaria Vesca L.

Người Anh gọi là strawberry, người Pháp gọi là Fraisier.

Dâu tây được du nhập đầu tiên từ Pháp từ những năm 40 của thế kỷ 20, khi vào Việt Nam vì có nguồn gốc từ Pháp nên gọi là dâu tây.

Theo các nhà nghiên cứu, quả dâu tây không chỉ là một loại trái ngon mà còn được coi như vị thuốc giúp ngăn chặn và chống lại nhiều bệnh tật.

Trong 100g dâu tây có chứa các chất sau: 0,6 protein, 7g carbohydrate, 2,3 chất xơ, 14 mg can-xi, 0,38 mg sắt, 10 mg ma-gie, 19 mg phốt pho, 166 mg kali, 0,29 mg magan, 56,7 mg vitamin C, 0, 02 mg B1, 0,23 mg B3, 0,059 mg B6… và các axit amin như tryptophan, threonine, lysine…

Đặc biệt theo các chuyên gia dinh dưỡng dâu tây là nguồn thực phẩn chứa nhiều a-xit ellagic.

Chất này hiện đang được thử nghiệm trong việc điều trị bệnh ung thư ở con người, a-xit này không bị phân hủy dưới tác dụng của nhiệt nên có thể dùng sống hay chín đều tốt.

Ngoài ra trong quả dâu tây còn chứa nhiều chất như: Fisetin là một loại chất flavonoid tự nhiên có thể kích thích đường dẫn tín hiệu, giúp tăng cường trí nhớ, thành phần alpah – hydroxy giúp loại bỏ tế bào chết, làm trẻ hóa da, thanh lọc cơ thể…