Bánh Cuốn chả Đinh Xuyên – Ẩm thực làng quê Việt

Người dân Đinh Xuyên, xưa nay nổi tiếng với sự tinh tế trong giao tiếp, nhanh nhạy trong kinh doanh và rộng rãi trong các mối quan hệ. Bánh Cuốn chả nơi đây đã được nhiều thực khách đưa vào thực đơn, khi qua vùng đất này, như một đặc sản của vùng đồng bằng bắc bộ.

Với địa thế, trên là đường 21b dẫn về Chùa Hương, dưới có dòng sông Đáy êm đềm uốn lượn, là bến đỗ của nhiều hàng hóa đổ về nơi đây, Đinh Xuyên đã trở thành nơi tụ họp của khách thập phương, bởi giao thương thuận tiện. Từ chợ Đanh (Chợ Đanh là cách gọi khác của người dân), hàng hóa như gỗ, tre nứa, hoa quả, nón lá…được cung cấp ra các thị trường nhỏ lẻ lân cận. Cũng bởi vậy mà dân Đinh Xuyên có tiếng là khéo léo, đảm đang và giỏi kinh doanh.

Xuất ăn đã lên mâm cho thực khách thưởng thức.

Ngoài dấu ấn của dân quanh vùng với nghề khâu nón lá khi nói tới Đinh Xuyên, đã hơn chục năm về đây, hương vị bánh Cuốn chả cũng để lại nỗi nhớ nhung cho biết bao khách thập phương khi đi chảy hội Chùa Hương, qua vùng đất này. Đã có lần, cảm xúc tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn của tôi được dâng trào khi bạn mình tâm sự “tao đi nhiều nơi nhưng chưa nơi nào bánh Cuốn chả ngon như ở đây”.

Trên trục đường 21b, theo hướng từ Hà Đông về Chùa Hương, khi tới ngã ba Đầu Đê, là ngã rẽ mà quý khách có thể lựa chọn bởi cả hai hướng đều có thể về đến Hội chùa. Phía trước là dốc xuống đi qua sông Đáy để về chùa Hương. Nếu quý khách rẽ trái theo dọc bờ đê chừng 1km, sẽ tới địa phận làng Đinh Xuyên, điểm dễ nhận biết bởi đầu làng là một ngôi Chùa cổ, mới được nâng cấp, cải tạo lại.

Ông Đinh Văn Bình, chủ quán Bánh cuốn chả tại Thôn Đinh Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội (người bên phải)

Chạy dọc đường theo chiều dài của làng, khi thấy phía tay trái là cây xăng của Công ty Hòa Nam, đi khoảng mươi mét nữa, khách sẽ đến điểm của bánh Cuốn chả, nằm ở phía tay phải. Một điểm lưu ý là nếu quý khách không tự tìm sẽ không thấy được quán, bởi vị trí của quán khuất hẳn trong đường dân sinh, nhưng khách hàng thì tấp nập từ sáng sớm tới đêm khuya.

Chủ quán là ông Đinh Văn Bình, năm nay đã ngoài 60, với 1 chân bị tàn tật từ nhỏ nên việc di chuyển khá khó khăn. Ông tâm sự: ngày xưa các con còn nhỏ, vợ chồng tôi phải làm hết mọi việc trong quán. Giờ các con lớn, chúng làm tốt hơn rồi nên mình chỉ làm những khâu bí quyết để giữ thương hiệu thôi.

Thực khách đang thưởng thức Bánh cuốn chả.

Để thuyết phục được khách hàng, thịt lợn làm chả phải đảm bảo tươi ngon, nhân bánh phải có sự khác biệt, nước chấm cũng vậy. Không phải ai cũng làm được đâu chú ạ!

Khi đề cập tới cách chọn thịt lợn làm chả, ông chia sẻ: Thịt lợn cần phải biết lấy ở vị trí nào trên thân con lợn, tẩm ướp hương liệu ra sao, bao nhiêu thời gian là đủ và các khâu làm chả như thế nào thì người làm bánh Cuốn chả phải tuân thủ mới mong vừa lòng khách hàng. Tuy nhiên, nếu chả không tươi và nóng, khách hàng sẽ không thể ngon miệng được.

Ngày xưa cuộc sống khó khăn, bột làm bánh thường làm từ loại gạo bình thường. Ngày nay đời sống cao hơn, gạo làm bánh là loại dẻo và thơm, nhiều nhựa nên thân bánh rất dai và mỏng. Nguyên tắc của bánh Cuốn là phải tráng mỏng, mặt bánh phải mịn, ông Bình chí sẻ.

Để có được loại bánh ngon nhất, ngoài việc chọn gạo thì quá trình chế biến bột là rất quan trọng. Bột gạo sau khi ngâm qua đêm, người làm bánh phải xay bằng cối đá chứ không nên nghiền, bời nếu nghiền, bột sẽ không mịn. Hơn nữa khi xay bột, nhựa gạo tạo chất kết dính sẽ làm mặt bánh mịn hơn, bánh tráng sẽ mỏng hơn bột nghiền.

Bánh đã cuốn xong, chuẩn bị chia xuất để lên mâm cho thực khách.

Bánh cuốn được tráng mỏng rồi cuộn tròn với nhân bánh bên trong, khi khách yêu cầu, chủ quán sẽ cắt nhỏ ra từng đĩa theo mỗi suất ăn, đi cùng đó là 1 bát nước chấm với chả bên trong. Cảm nhận của thực khách là bánh rất mềm, nước chấm được pha từ nước mắm nguyên chất, có vị đặm vừa phải, chả nóng và thơm, khi nhai trong miệng, vị ngọt của nhân bánh và thịt lợn hòa quyện vào nhau tạo nên phong cách riêng cho bánh Cuốn chả nơi đây, đó cũng là bí quyết mang lại sự tấp nập của thực khách trong nhiều năm qua.

Có dịp qua vùng đất này, quý khách hãy ghé chân để cảm nhận vị ngọt của quê hương, sự mặn mà và đằm thắm tình người, lòng hiếu khách của một vùng đất trên bến dưới thuyền và biết đâu đó, thực đơn của quý khách sẽ có thêm hai từ Đinh Xuyên, làm điểm dừng chân trước khi bước tiếp đoạn đường dài phía trước.

Ẩm thực các vùng quê là sự tinh túy của vị trí địa lý, kết hợp với bí quyết từ đôi bàn tay khéo léo của người làm ra nó, đã để lại nhiều dấu ấn cho khách phương xa trên từng nẻo đường của dải đất hình chữ S, góp phần tạo nên dáng vẻ Việt trong mắt bạn bè Quốc tế.